Tuần thứ 24, phần chóp tử cung của mẹ đã phát triển vượt cao hơn rốn. Lượng máu của mẹ đã tăng lên khoảng 25 % so với thời điểm ban đầu và lượng máu sẽ tăng mạnh vào giai đoạn từ tuần thứ 35. Điều này đồng nghĩa với việc mắt cá chân và các ngón tay của mẹ đã bắt đầu có dấu hiệu sưng và tiếp tục sưng mạnh cho tới các thời kỳ sau của thai kỳ. Ngoài ra, lúc này do sự thay đổi của hormone làm tóc mẹ ít rụng và trở nên dày và bóng mượt hơn
Mang thai là điều tuyệt vời nhất đối với hầu hết những người phụ nữ chúng ta và hẳn nhiên ai cũng hồi hộp, mong chờ ngày bé yêu chào đời. Bước vào tuần thai thứ 24, mẹ và bé đã đi được hơn nửa chặng đường của thai kỳ. Vậy trong tuần này mẹ và bé có những đặc điểm nào thú vị và mẹ cần lưu ý những điều gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số thông tin dưới đây nhé!
1. Những thay đổi trên cơ thể mẹ và bé
– Cơ thể mẹ: Tuần thứ 24, phần chóp tử cung của mẹ đã phát triển vượt cao hơn rốn. Lượng máu của mẹ đã tăng lên khoảng 25 % so với thời điểm ban đầu và lượng máu sẽ tăng mạnh vào giai đoạn từ tuần thứ 35. Điều này đồng nghĩa với việc mắt cá chân và các ngón tay của mẹ đã bắt đầu có dấu hiệu sưng và tiếp tục sưng mạnh cho tới các thời kỳ sau của thai kỳ. Ngoài ra, lúc này do sự thay đổi của hormone làm tóc mẹ ít rụng và trở nên dày và bóng mượt hơn.
– Thai nhi: Trong tuần này, mức trọng lượng của bé đạt 600 – 680 gam, chiều cao từ đầu đến gót chân của bé khoảng 30 – 34 cm. Cơ thể bé bắt đầu tích mỡ, phát triển rất cân đối và sẽ bắt đầu đầy đặn lên, làn da nhăn nheo dần được thay thế bằng làn da căng mịn gần giống với trẻ sơ sinh hơn. Não bộ và các gai vị giác phát triển nhanh chóng. Đồng thời, phổi bé đang hình thành các nhánh hô hấp, các tế bào đã bắt đầu sản xuất surfactant giúp phổi hít đầy không khí ngay khi bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Theo các nhà khoa học, cũng trong giai đoạn này, tóc của bé cũng được mọc thêm và màu tóc vàng, đen hay nâu cũng đã được xác định.
Bé càng ngày càng có nhiều cú đạp, duỗi chân và nhiều cử động hơn.
2. Những điều cần lưu ý khi mang thai tuần thứ 24
– Khám thai định kỳ để được kiểm tra nồng độ huyết sắc tố (Haemoglobin) , nếu nồng độ Haemoglobin thấp chính là dấu hiệu của thiếu sắt khi nhu cầu về lượng hồng cầu đạt đỉnh điểm. Ngoài ra, xét nghiệm khi mang thai tuần đầu tiên của tháng 6 còn giúp mẹ kiểm tra được lượng đường trong máu, để phát hiện và điều trị sớm bệnh tiểu đường thường gặp trong thời kỳ thai nghén.
– Chú ý đến chế độ dinh dưỡng: Nếu thiếu sắt trong giai đoạn này, mẹ cần chú ý bổ sung những thực phẩm giàu chất sắt như các loại thịt đỏ, trứng, ngũ cốc, rau có màu xanh đậm và các loại trái cây. Nếu hàm lượng sắt trong máu quá thấp, mẹ có thể uống thêm viên sắt theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
– Tích cực uống nhiều nước: Vào giai đoạn này, trọng lượng của mẹ đã bắt đầu tăng lên đáng kể, việc vận động, di chuyển cũng sẽ khiến mẹ tốn nhiều năng lượng và nhanh đổ mồ hôi hơn so với trước. Cung cấp đủ 2,5 – 3 lít sẽ giúp mẹ bù lại lượng nước đã mất đi, ổn định thân nhiệt. Ngoài ra, các loại nước ép trái cây (cam, táo, lê, bơ, bưởi, dâu tây) và sữa cũng là nguồn cung cấp dinh dưỡng đặc biệt quan trọng cho cơ thể mẹ và bé.
– Tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng: Việc tập luyện các bài tập có động tác nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi không chỉ không gây ảnh hưởng gì xấu tới mẹ và thai nhi mà còn giúp cho mẹ có sức khỏe tốt, tính thần thoải mái, lạc quan. Việc vận động thường xuyên cũng giúp cho mẹ có được sự dẻo dai, săn chắc, góp phần chuẩn bị tốt cho hành trình vượt cạn sau này.
Thảo Linh