Mụn nhọt là một chứng bệnh thường gặp ở bé do vi khuẩn gây nên, tuy không nguy hiểm nhưng nó lại gây khá nhiều phiền phức cho cả mẹ và bé. Nếu không biết cách vệ sinh, nó có thể gây nên ngứa ngáy, viêm nhiễm và nhiều biến chứng khác.
Tuy nhiên, mẹ cũng không nên lo lắng quá, với những cách đơn giản dưới đây mẹ có thể giúp bé bảo vệ làn da, ngăn ngừa mụn nhọt, cùng tham khảo nhé!
Dấu hiệu và cách chữa mụn nhọt cho trẻ sơ sinh
Khi bé bị mụn nhọt, dấu hiệu đầu tiên mẹ có thể nhận biết đó là vùng da của bé bị sưng với kích cỡ bằng hạt đậu tây nhỏ khiến cho bé bị đau nhức, sau vài ngày mụn nhọt của bé sẽ sưng to hơn và xuất hiện mủ màu vàng trắng, những nốt mụn nhọt có thể xuất hiện ở mặt, cổ, đùi, nách, hông, mông… mụn nhọt sẽ dần tự khỏi nhưng mẹ có thể tăng tốc giảm mụn nhọt cho bé bằng cách đặt khăn ấm sạch lên mụn bé và lặp lại khoảng 3 – 4 lần trong ngày và luôn vệ sinh, giữ cho thân thể bé được sạch sẽ.
Khi mụn nhọt có dấu hiệu sưng mủ, mẹ nên sát trùng nhẹ cho bé bằng nước lá chè xanh hay các loại nước có khả năng sát trùng khác… rồi lau khô và dùng cồn iod bôi lên vùng da có mụn nhọt của bé, mẹ nên làm nhẹ nhàng để tránh làm vỡ nhọt, sau đó dùng gạc vô trùng băng lại và nhớ thay băng mỗi ngày nhé.
Trường hợp bé chỉ có một hoặc hai mụn to mẹ có thể dùng hạt gấc mài trong giấm bôi cho bé khi mụn mới có dấu hiệu sưng tấy đỏ, chưa thành mủ. Mẹ cũng có thể giã lá táo tươi đắp vào nhọt đang sưng, nóng đỏ, chưa thành mủ.
Khi nốt mụn nhọt đã thành mủ thì lúc đó, mẹ có thể chích nặn mủ rồi rửa sạch bằng nước muối nhạt. Sau đó, lấy 50g lá bồ công anh tươi, nhặt bỏ lá già và sâu rồi đem rửa sạch, giã nhuyễn sau đó đắp lên và băng lại. Mỗi ngày thay băng một lần. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể dùng rau mồng tơi tươi, đem rửa sạch rồi giã nát đắp vào lên nốt mụn nhọt, ngày thay 2 – 3 lần hoặc dùng rau diếp cá giã nát đắp lên nốt nhọt rồi băng lại trước khi ngủ cho đến sáng thì tháo băng.
Những lưu ý cho mẹ trong quá trình điều trị mụn nhọt cho bé
– Giữ gìn vệ sinh thân thể của bé cũng như phòng ngủ, không gian sống của bé ở một cách sạch sẽ để nhanh chóng giảm mụn nhọt cũng như ngăn ngừa lây lan.
– Nên chú trọng chế độ dinh dưỡng của bé, cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé thông qua việc cho bé bú hay cho bé ăn dặm. Bởi việc này sẽ góp phần làm tăng sức đề kháng , đồng thời phòng tránh bệnh tật cho bé.
– Mẹ không nên tự ý nặn mụn nhọt cho bé đặc biệt là mụn nhọt ở vùng mũi, miệng bởi đây là vùng có mạch máu thông với các mạch máu trong sọ não, nếu mẹ nặn mụn cho bé thì không chỉ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập mà còn gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
– Không nên dán các loại cao dán không rõ nguồn gốc cho bé để tránh làm tình trạng thêm nặng, viêm loét rộng ra, thậm chí là gây nhiễm trùng máu cho bé
– Khi chạm vào mụn nhọt, mẹ cần rửa tay thật sạch và cho bé sử dụng khăn riêng để tránh lây lan.
– Sau 1 tuần mà bệnh không thuyên giảm thì mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để bác sĩ có thể tiêm kháng sinh cho bé khi mụn nhọt sưng to và vùng viêm lan rộng.
Thiên Kim (T/h)