Đại diện các DN đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh tại hội nghị do UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức ngày 29/3, trong đó nổi cộm là vấn đề thiếu điện, thiếu vốn và các thủ tục hành chính “một cửa”.
Đau đầu bài toán vốn
Hầu hết các DN hoạt động trên địa bàn Quảng Bình đều có quy mô vừa và nhỏ, vốn tự có và năng lực cạnh tranh chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong một năm nhiều biến động tài chính và thay đổi cơ chế như 2010.
Trong đó, khó khăn nhất, theo ông Trần Hoàng Giang – Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa (SME) Quảng Bình, là thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. “Đa số các DN đều phải vay vốn ngân hàng với lãi suất lên tới 18-20%/năm, việc vay lại khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ nên DN rất chật vật trong việc trả nợ, đầu tư, trả chi phí lao động”, ông Giang nói.
Số liệu thống kê của Hội SME Quảng Bình cho thấy, chỉ khoảng 30% số DN SME tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính thức, số còn lại phải xoay xở với vốn tự có, hoặc tự vay với lãi suất thị trường.
Nhà máy xi măng Sông Gianh thụ điện 1/3 tổng sản lượng điện toàn tỉnh.
Ông Đặng Gia Hạnh – TGĐ Công ty COSEVCO 6 cho biết: Công ty vừa đầu tư gần 700 tỷ đồng xây dựng nhà máy xi măng, nay nhà máy đã đi vào hoạt động nhưng thiếu vốn lưu động, làm thủ tục vay vốn ngân hàng từ đầu năm 2011 nhưng hết quý I vẫn chưa nhận được đồng nào.
Cũng theo ông Giang, trong bối cảnh lãi suất biến động, giá xăng dầu, nguyên – nhiên liệu chính tăng mạnh…các DN xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngoài việc tiến độ thi công công trình bị chững lại, nhiều DN còn bị suy giảm lợi nhuận nghiêm trọng hoặc không có lãi vì thiếu nguyên liệu, chậm điều chỉnh dự toán và đơn giá xây dựng cơ bản so với biến động thực của giá thị trường.
“Nhiều công trình chững lại, trong khi mỗi ngày trôi đi là DN phải “oằn lưng” trả nợ ngân hàng khiến DN như ngồi trên lửa”, đại diện một DN cho biết thêm.
Thủ tục “một cửa” vẫn phải qua “cửa phụ”
Theo ông Trần Hoàng Giang, mặc dù các thủ tục hành chính đã từng bước được đơn giản hóa, song tình trạng DN bị “hành” vẫn còn. “Nói “một cửa”, nhưng để làm các thủ tục, giấy tờ hành chính, DN vẫn phải qua nhiều “cửa phụ” mới ra được “cửa chính” nên thực chất rườm rà không kém gì “nhiều cửa”, ông Giang ví von.
Ghi nhận phản ánh từ các DN, ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định tỉnh sẽ cương quyết chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm một cửa, không để xảy ra tình trạng sách nhiễu, gây phiền toái và thiếu trách nhiệm ở các trung tâm này.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, tỉnh sẽ chủ trì giải quyết những kiến nghị của DN liên quan đến nhiều địa phương, nhiều ngành để DN không mất thời gian cho các thủ tục, tập trung sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Đảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, các DN cần chủ động các biện pháp tái cơ cấu mặt hàng sản xuất, tăng chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm có giá trị, hiệu quả cao đồng thời xem xét điều chỉnh quy trình sản xuất để giảm chi phí sản xuất trên mỗi thành phẩm.
Tỉnh cam kết tiếp tục ưu tiên cho vay tín dụng và vay phục vụ công nghiệp để phát triển sản xuất và xuất khẩu; cắt giảm đầu tư công và tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên trong phần còn lại của năm 2011 để hỗ trợ cho các DN.
Đồng thời, tỉnh cho rằng các DN cũng cần tự tính toán để cắt giảm chi phí sản xuất, sử dụng vốn hiệu quả, tạm ngừng đầu tư máy móc, thiết bị chưa cần thiết và tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như cao su, gỗ ép, chế biến cát…
Khó giải quyết tình trạng thiếu điện sản xuất
Trong các khó khăn mà DN phải đối mặt, bài toán thiếu điện tiếp tục bức bách và khó có phương án giải quyết trong điều kiện chung cả ngành điện hiện nay.
Hiện, ngoài nhà máy xi măng Sông Gianh (tiêu thụ 1/3 tổng sản lượng điện toàn tỉnh) kêu thiếu 30% lượng điện phục vụ sản xuất, nhiều DN khác cũng đồng loạt đề nghị được ưu tiên cấp điện.
Tuy nhiên, theo Công ty Điện lực Quảng Bình, lượng điện được phân bổ cho tỉnh này hiện ở mức 1,2 – 1,4 triệu kWh/ngày, bằng 1/2 nhu cầu thực. Dự kiến vào mùa khô sắp tới, lượng điện sẽ tiếp tục thiếu hụt nên DN thiếu điện sản xuất là khó tránh khỏi.
Trước thực trạng đó, giải pháp chỉ có thể là các DN chủ động thực hiện tiết kiệm điện, khuyến khích sử dụng công nghệ mới ít “ngốn” điện hơn.
Hồng Kỹ
Nguồn: