Theo ước tính của ADB, giá lương thực tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á tăng khoảng 10%, tình trạng trên có thể đẩy thêm 64 triệu người trong khu vực lâm vào cảnh nghèo cùng cực.
Nhiều vấn đề về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… được thảo luận tại Hội nghị ADB 44
Ngày 3/5/2011, trong khuôn khổ của Hội nghị Thường niên ADB lần thứ 44, Hội thảo “Rủi ro biến đổi khí hậu và khả năng ứng phó: Bảo đảm tương lai khu vực” đã được tổ chức nhằm đánh giá những nguy cơ do biến đổi khí hậu tác động đến an ninh lương thực và an ninh nguồn nước tại khu vực. Đồng thời xem xét những chiến lược nhằm quản lý những nguy cơ trên, cũng như phương hướng giải quyết chủ chốt mang tính khu vực.
Các đại biểu cho rằng những áp lực đối với nguồn nước và giá lương thực quá cao hiện nay đang làm tồi tệ thêm tình trạng nghèo tại châu Á. Nhiều quốc gia châu Á đã bắt đầu phải đối mặt với nạn thiếu nước thường xuyên. Vào năm 2030, nhu cầu về nước ở châu Á sẽ cao hơn mức cung khoảng 40%.
Do gần 80% nguồn nước của khu vực được dành cho sản xuất nông nghiệp, bởi vậy việc thiếu nước sẽ góp phần tạo ra sự thiếu hụt về lương thực. Theo ước tính của ADB, giá lương thực tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á tăng khoảng 10%, tình trạng trên có thể đẩy thêm 64 triệu người trong khu vực lâm vào cảnh nghèo cùng cực.
Bên cạnh đó, những nguy cơ nảy sinh do tình trạng kém an toàn đang gia tăng đối với nguồn nước và lương thực, cũng như sự tàn phá của lũ lụt và hạn hán cũng được đề cập tại Hội thảo này. Quá trình biến đổi khí hậu với sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của thời tiết khắc nghiệt và lượng mưa thay đổi, sẽ đặt thêm những gánh nặng lên nguồn lương thực và nguồn nước ở khu vực châu Á.
Các đại biểu đã thảo luận về các cơ hội cải thiện chính sách, tăng cường sáng kiến kỹ thuật công nghệ và gia tăng tài trợ nhằm hỗ trợ khu vực châu Á- Thái Bình Dương vững vàng hơn trước biến đổi khí hậu cũng như các nguy cơ rủi ro khác.
Các đại biểu cũng đã nêu phương hướng giải quyết chủ chốt bao gồm gia tăng những nỗ lực đối với cơ sở hạ tầng chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt, quản lý các rủi ro thảm họa như lũ lụt và hạn hán và thông qua các chiến lược an ninh lương thực mang tính khu vực.
Bà Ursula Schaefer-Preuss, Phó Chủ tịch ADB phụ trách về hoạt động phát triển bền vững và quản lý tri thức cho rằng, nếu không nắm bắt hết những vấn đề liên quan như nguồn nước, lương thực và biến đổi khí hậu, đồng thời không giải quyết chúng trước tiên, chúng ta có thể sẽ bỏ lỡ những thành tựu mà khó khăn lắm mới giành được trong cuộc chiến chống đói nghèo.
“Phải cùng nhau hành động nhằm biến châu Á – Thái Bình Dương vững mạnh hơn trước những tác động của biến đổi khí hậu và phải làm cho nguồn nước, lương thực được đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người” – Bà Ursula Schaefer-Preuss cho biết.
Theo: tamnhin.net