Cách làm bánh trung thu thập cẩm đã có từ bao đời nay. Dù dân ta có trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, nhưng những bí quyết để làm một chiếc bánh ngon vẫn được các mẹ, các chị giữ gìn mãi. Ngày nay, bánh trung thu truyền thống và những loại bánh được biến tấu theo hơi hướng hiện đại đã tạo nên những lựa chọn vô cùng đa dạng cho thực khách. Trong số đó, có loại bánh thập cẩm dưới đây.
Webnauan.vn sẽ hướng dẫn 2 công thức nấu ăn thực hiện cách làm bánh trung thu thập cẩm truyền thống này. Cùng theo dõi nhé!
1. Cách làm bánh trung thu thập cẩm nướng truyền thống
1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu vỏ bánh: 500g bột mì, 1/3 thìa cà phê baking soda, 350g nước đường làm bánh, 100gr dầu ăn, 2 lòng đỏ trứng gà, 1 muỗng cà phê rượu Mai quế lộ.
Nguyên liệu làm nhân: hạt điều rang bóc vỏ, mứt bí, mứt sen, hạt dưa rang bóc vỏ, mỗi thứ 100g. 80g vừng rang, 3 cây lạp xưởng, 100g mỡ đường, 8-10 lá chanh. Thêm trứng muối nếu bạn muốn bánh có vị béo mặn nhé.
Hỗn hợp để để nhân kết dính: 70ml rượu Mai quế lộ (đây là loại rượu thơm, dùng để làm gia vị nấu ăn). 1 thìa nhỏ nước đường, 1 thìa nhỏ dầu hào, 70ml nước lọc, 1/2 thìa ngũ vị hương, 70gr bột nếp rang.
Hỗn hợp quét mặt bánh: 2 lòng đỏ trứng, 1 thìa cà phê dầu ăn, 1 chút màu dừa. Đánh tan hỗn hợp này và lọc qua rây.
1.2. Cách làm bánh trung thu thập cẩm nướng
Làm nhân bánh: Lạp xưởng hấp hoặc luộc chín, sau đó thái nhỏ hạt lựu. Lá chanh rửa sạch, thái thành sợi nhỏ. Trộn tất cả nguyên liệu để làm nhân lại với nhau bao gồm: các loại hạt, vừng, lạp xưởng, mỡ đường, lá chanh. Sau đó, bạn đổ hỗn hợp kết dính vào phần nhân và tiếp tục trộn đều. Nếu nhân khô quá thì bạn cho thêm 1 chút nước vào nhé.
Làm vỏ bánh: Bạn cho bột mì và 1 ít bột baking soda vào trộn đều với nhau. Bạn khoét 1 lỗ ở giữa tô bột để đổ nước đường, dầu ăn, lòng đỏ trứng và rượu Mai quế lộ vào đấy. Dùng phới khuấy đều hỗn hợp bột từ trong ra ngoài. Sau đó, nhào bột đều tay cho tới khi bột dẻo, mịn, không còn dính nữa. Bọc khối bột lại và đem ủ trong vòng 30 phút.
Chia nhân, chia bột vỏ: Bột vỏ sau khi ủ xong sẽ đem ra và phân thành các phần để cán làm vỏ. Nhân bánh cũng chia ra và vo lại thành viên tròn. Khi chia nhân và vỏ bánh, bạn lưu ý rằng khối lượng nhân phải gấp đôi khối lượng vỏ nhé.
Gói bánh và đóng bánh: Đặt viên nhân giữa phần bột vỏ đã cán mỏng rồi gói kín lại. Tiếp theo, bạn cho viên bánh vào giữa khuôn bánh trung thu. Dùng tay nén chặt để bánh dàn đều ra khắp khuôn và được in hình sắc nét.
Nướng bánh: Trước khi nướng bánh, nên bật lò nướng trước khoảng 10 phút để lò đạt nhiệt độ cần thiết. Xếp bánh vào khay và đem nướng bánh trong 10 phút. Lấy bánh ra, xịt một lớp nước mỏng để bánh nguội bớt rồi phết 1 lớp trứng lên mặt bánh. Tiếp tục đem bánh vào lò nướng. Thực hiện khâu quét trứng, nướng bánh khoảng 3 lần là bánh đạt yêu cầu.
2. Cách làm bánh trung thu thập cẩm biến tấu với gà quay
Cách làm bánh trung thu thập cẩm gà quay chỉ khác bánh thập cẩm truyền thống là nguyên liệu nhân bánh có thêm thịt gà. Vì thế, nguyên liệu vỏ bánh, nước kết dính nhân và hỗn hợp phết bánh bạn chuẩn bị giống với mục số 1 nhé.
2.1. Nguyên liệu nhân bánh thập cẩm gà quay
- Thịt gà xé nhỏ 150g
- Hạt điều rang chín, mè trắng rang, hạt dưa rang chín, mứt sen, mứt bí, lạp xưởng: mỗi thứ 150g.
- Mỡ đường 100g, lá chanh thái sợi, 1/4 thìa cà phê ngũ vị hương.
2.2. Hướng dẫn cách làm bánh trung thu thập cẩm gà quay
- Làm nhân bánh: bạn cho các loại hạt và mứt vào chung trong một máy xay sinh tố và xay nhuyễn. Bước này sẽ giúp cho phần nhân được mềm hơn. Tiếp tục cho những nguyên liệu làm nhân còn lại vào và trộn đều.
- Tiếp theo, bạn đổ hỗn hợp kết dính nhân vào để nhân không bị rời rạc hay vỡ ra nhé.
- Làm vỏ bánh: nguyên liệu và cách thực hiện tương tự với cách làm bánh thập cẩm truyền thống.
- Nhân sau khi trộn xong thì chia ra và vo tròn. Bột vỏ cũng chia ra và cán mỏng để làm vỏ bánh.
- Gói bánh và đặt bánh vào khuôn để tạo hình.
- Nướng bánh ở nhiệt độ 220 độ trong khoảng 3 lần. Cứ mỗi lần nướng xong thì lại lấy bánh ra để phun nước và quét bánh lên mặt trứng.
3. Những lưu ý để làm bánh trung thu thập cẩm ngon
- Trước khi làm bánh bạn nên cân nhắc đến kích cỡ của bánh để chọn loại khuôn phù hợp. Thông thường, đối với bánh nướng, người ta hay làm bánh khoảng 100g, 200g hay 250g. Bánh càng lớn thì thời gian nướng bánh cũng lâu hơn nhé.
- Đối với phần nước đường nước bánh, bạn có thể tự chuẩn bị nước đường ngay tại nhà. Nhưng lưu ý rằng, nước đường phải được nấu trước ít nhất 14 ngày thì bánh mới đạt chuẩn. Nếu không có thời gian để nấu, bạn có thể mua nước đường được làm sẵn ở ngoài cho tiện lợi.
- Khi nướng bánh, bạn phải nướng nhiều lần là để cho bánh được chín kỹ, đồng thời để vỏ bánh lên được màu nâu vàng đẹp mắt. Bạn phải xịt nước và quét trứng mỗi lần lấy bánh ra để tránh cho vỏ bánh không bị khô, cứng dẫn đến làm vỏ bánh bị nứt.
- Bánh trung thu sau khi nướng, để ở ngoài 2 hoặc 3 ngày rồi thưởng thức mới là ngon nhất. Vì khi đấy chất dầu trong nhân bánh sẽ chảy ra, làm cho vỏ bánh mềm và nhân hơi béo.
Để làm được những chiếc bánh trung thu truyền thống, đòi hòi bạn phải bỏ ra nhiều tâm huyết và công sức. Chính nhờ tinh thần ấy mà nhiều món ăn ngon, đặc sắc của dân tộc mới được lưu truyền đến ngày nay. Mong rằng 2 cách làm bánh trung thu thập cẩm trên đây sẽ không làm khó bạn, để mùa tết đoàn viên của gia đình thêm tràn đầy tình thân.
Ka Lang tổng hợp