Những nhà bán lẻ nội địa hàng đầu như CoopMart, Citimart, Maximark, Fivimart… từ nhiều năm qua đều đã đầu tư trang web riêng nhưng đang dừng ở mức giới thiệu công ty và giới thiệu mặt hàng.
Nói về chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng đầu thế giới là nói đến Walmart. Walmart có hơn 8.000 cửa hàng trên toàn thế giới với số nhân viên lên đến hơn 2 triệu người. Doanh thu năm 2009 của Wal-Mart vượt trên 408 tỷ đô-la Mỹ.
Đó là những con số mà chúng ta dễ dàng biết đến, nhưng ít ai biết Walmart đứng thứ 3 trong danh sách 50 trang web bán lẻ được người tiêu dùng trên toàn thế giới ưa thích nhất (Top 50 – The online retailer shoppers like most) chỉ sau Amazon và eBay. Tại Việt Nam, một số nhà bán lẻ đã nghiên cứu và có những bước đi đầu tiên vào lĩnh vực kinh doanh trực tuyến.
Những nhà bán lẻ nội địa hàng đầu như CoopMart, Citimart, Maximark, Fivimart… từ nhiều năm qua đều đã đầu tư trang web riêng nhưng đang dừng ở mức giới thiệu công ty và giới thiệu mặt hàng. Gần đây, với sự tham gia của các chuỗi bán lẻ nước ngoài như Lotte Mart, Family Mart… thì thị trường này đang ngày càng trở nên sôi động với việc nhiều nhà bán lẻ đẩy mạnh việc mở rộng địa bàn và tăng số lượng cửa hàng. Mở rộng thị phần và chiếm lĩnh các địa điểm tốt tại các tỉnh thành có lẽ vẫn là hướng đi quan trọng nhất đối với lĩnh vực bán lẻ trong giai đoạn này. Tuy vậy, có không ít nhà bán lẻ đang song hành phát triển cả chuỗi cửa hàng lẫn kênh bán lẻ trực tuyến. Có thể kể đến Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, Viễn Thông A… là những công ty đã đi tiên phong phát triển cả hai kênh bán hàng.
Những bước đi ban đầu
Đại diện một số nhà bán lẻ từng nói rằng trước khi quyết định đầu tư kênh bán lẻ trực tuyến, điều họ quan tâm nhất là thói quen tiêu dùng, vì sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với loại hình này vẫn chưa cao và hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động thanh toán, bảo mật vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Ngược lại, từ phía người tiêu dùng thì việc hình thành thói quen mua sắm trên mạng còn gặp khó khăn, phần lớn là do yếu tố niềm tin. Khi giao dịch trực tuyến, người tiêu dùng lo lắng không biết chất lượng món hàng có tốt không (vì không được thấy tận mắt, sờ tận tay), hàng có bị giao trễ hay không… và chỉ khi những khúc mắc này được gỡ bỏ thì thói quen mua sắm trực tuyến mới khởi sắc và phát triển.
Nếu nhìn nhận toàn thị trường thương mại điện tử dưới góc nhìn thận trọng của các bên tham gia thị trường như phân tích như trên thì chúng ta có thể thấy được các nhà bán lẻ có lợi thế rất lớn khi cạnh tranh trong thị trường này và có được lòng tin của người tiêu dùng. Các sàn thương mại điện tử hiện đang có mô hình gian hàng bảo đảm, dùng uy tín của sàn để bảo đảm cho sản phẩm, dịch vụ của nhà cung cấp nhằm gia tăng sự tin tưởng của khách hàng. Tuy nhiên, hình thức bảo đảm này cũng không tạo được lòng tin như uy tín và thương hiệu của nhà bán lẻ đã gây dựng trên thị trường.
Ngoài ra, nhà bán lẻ còn có lợi thế nguồn hàng đa dạng, chất lượng đã được kiểm định và hệ thống giao nhận đã hoàn thiện. Do đó, nếu họ mạnh dạn đầu tư phát triển kênh trực tuyến với những lợi thế sẵn có thì họ sẽ có cơ hội trở thành những “đầu tàu” trong thị trường thương mại điện tử. Câu hỏi còn lại duy nhất là liệu thị trường thương mại điện tử đã sẵn sàng cho giai đoạn bùng nổ hay chưa.
Bộ Công Thương đã định hướng kế hoạch tổng thể thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 và đề ra những mục tiêu, cụ thể: phát triển các tiện ích cho người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử như 70% siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 50% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử; 30% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại – dịch vụ như: vận tải, văn hóa thể thao và du lịch…. Như vậy, có thể xem giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn chuẩn bị, với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng viễn thông, hạ tầng di động và hạ tầng thanh toán điện tử.
Ngân hàng Nhà nước cũng đặt trọng tâm giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của việc thanh toán không dùng tiền mặt (là yếu tố nền tảng quan trọng của thị trường thương mại điện tử). Tháng 10 vừa qua, hệ thống POS đã được liên thông tại Hà Nội và sau đó cũng đã được triển khai liên thông tại TP.HCM. Đây là bước tiến quan trọng tạo sự dễ dàng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng đến với việc thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, các công ty trung gian thanh toán điện tử cũng phát triển mạnh và đa dạng trong năm nay, bắt đầu được người tiêu dùng biết đến.
Từ định hướng tập trung của Chính phủ đối với thương mại điện tử và thanh toán điện tử đến sự hoàn thiện về hạ tầng (Internet, Mobile, Payment) đều cho thấy thị trường ở Việt Nam đã qua giai đoạn chuẩn bị và đã sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Đối với người tiêu dùng, với tình hình giá cả, chi phí leo thang và kẹt xe tại các đô thị lớn như hiện nay thì thương mại điện tử trở thành một giải pháp lý tưởng (mua hàng trên mạng giá rẻ hơn và giảm bớt đi lại, đỡ kẹt xe, tiết kiệm tiền xăng). Nút thắt của thị trường này chỉ còn là vấn đề “niềm tin”, và ta có thể tin rằng các nhà bán lẻ lớn với thế mạnh về thương hiệu, chuỗi cửa hàng, hệ thống bảo đảm chất lượng, hệ thống giao nhận, hệ thống bảo hành… chính là những nhà tiên phong gỡ bỏ nút thắt này.
Chất xúc tác cho thị trường bán lẻ trực tuyến
Ngoài việc bảo đảm chất lượng và giá cả hàng hóa tốt nhất cho khách hàng, các nhà bán lẻ còn có nhiều “chất xúc tác” để khuyến khích thói quen mua hàng trên mạng của họ. TigerDirect, chuỗi bán lẻ hàng công nghệ của Mỹ, đã giới thiệu dịch vụ thanh toán trả sau BillMeLater. Khách hàng của công ty này khi chọn BillMeLater chỉ phải trả lời một số câu hỏi xác thực và sau đó hoàn tất giao dịch và nhận hóa đơn thanh toán tại nhà vào cuối tháng. Ngoài sự tiện lợi, TigerDirect thậm chí còn tặng khách hàng mới một khoản tiền 20 đô-la Mỹ khi sử dụng BillMeLater.Ở Việt Nam cũng có không ít doanh nghiệp bán hàng trả góp trực tuyến. Khách hàng có thể mua món hàng mình thích và thanh toán làm nhiều kỳ với lãi suất thấp. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đưa ra những chương trình khuyến mãi kích cầu, đáp ứng đúng nhu cầu mua hàng giá rẻ và trả góp nhiều kỳ của khách hàng thu nhập trung bình.
Các nhà bán lẻ cũng không ngừng gia tăng các dịch vụ bán hàng chéo (cross-sale) để đa dạng hóa hàng hóa và dịch vụ, tạo ra một đầu mối mua sắm duy nhất đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng (One-stop Shop). Khách hàng khi mua điện thoại di động thì cũng có thể nạp tiền vào tài khoản trả trước (topup) hoặc thanh toán hóa đơn trả sau ngay trên trang web bán hàng, hoặc khi mua máy tính xách tay (laptop) trên mạng thì có thể mua phần mềm hoặc các tiện ích ngay tại cùng trang web đó.
Tóm lại, với điều kiện hạ tầng ở Việt Nam đã hoàn thiện, các nhà bán lẻ đang đứng trước cơ hội mở rộng kênh bán hàng trực tuyến và mang lại làn sóng mới cho thương mại điện tử Việt Nam. Với những lợi thế sẵn có từ thương hiệu, hệ thống chuỗi cửa hàng và hệ thống quy trình bán lẻ chuyên nghiệp, nhà bán lẻ có thể mở nút thắt “niềm tin” của khách hàng. Bên cạnh đó, nhà bán lẻ cũng có thể tận dụng lợi thế tiết kiệm chi phí của kênh trực tuyến để bảo đảm giá tốt nhất cho khách hàng và cung cấp nhiều dịch vụ kích cầu.
Theo Nguyễn Hoàng Ly – Giám đốc điều hành VietUnion, chủ sở hữu ví điện tử Payoo
TBKTSG