Hầu hết các doanh nghiệp trong danh sách này đều thua lỗ liên tục trong ba năm liên tiếp, từ 2007 – 2009, trong đó cá biệt có một doanh nghiệp lỗ lũy kế gần 1.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại Quốc hội cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói rằng bộ này sẽ triển khai một chương trình thanh tra toàn diện đối với doanh nghiệp FDI.
Một danh sách bao gồm 82 doanh nghiệp đã được thanh tra Bộ Tài chính đưa vào danh sách thanh tra trong năm nay.
Đây là bước đi nhằm cụ thể hóa cam kết trước đó của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trước Quốc hội, trong việc thanh tra, kiểm tra tình hình của một số doanh nghiệp trong và ngoài nước có hiện tượng thua lỗ kéo dài.
Trong số này, Tp.HCM có 21 doanh nghiệp, Đồng Nai có 15 doanh nghiệp, Bình Dương có 10 doanh nghiệp, Hà Nội có 19 doanh nghiệp, Bà Rịa Vũng Tàu có 6 doanh nghiệp, Hải Phòng có 5 doanh nghiệp và một số doanh nghiệp ở một số địa phương khác.
Hầu hết các doanh nghiệp trong danh sách này đều thua lỗ liên tục trong ba năm liên tiếp, từ 2007 – 2009, trong đó cá biệt có một doanh nghiệp lỗ lũy kế gần 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, mức lỗ lũy kế lên đến trên 100 tỷ đồng cũng chiếm số lượng đáng kể.
Đặc biệt, phần lớn trong danh sách này là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh số hàng năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đây cũng là nhóm đối tượng doanh nghiệp đã và đang bị nghi ngờ có hành vi chuyển giá trong thời gian dài.
Phát biểu tại Quốc hội cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói rằng bộ này sẽ triển khai một chương trình thanh tra toàn diện đối với doanh nghiệp FDI, dù rằng đây là một công việc khó khăn.
“Chúng tôi đã có công văn, văn bản đề nghị với Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan thương vụ, các cơ quan tham tán và đại sứ quán nước ngoài xin thu thập các thông tin có liên quan khi cơ quan thuế có yêu cầu phối hợp chống chuyển giá”, ông cho biết.
Trong một nỗ lực tăng cường hoạt động chống chuyển giá, tháng 4/2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 66 về chống chuyển giá. Trước đó, khi tiến hành thanh tra tại 127 doanh nghiệp FDI lỗ nhiều liên tục trong 3 năm, thanh tra tài chính đã phát hiện các doanh nghiệp này khai lỗ không đúng là 1.450 tỷ đồng và đã truy thu vào ngân sách.
Đáng tiếc là sau khi truy thu, danh sách 27 doanh nghiệp này đã không được công bố và công luận không thể biết cụ thể những doanh nghiệp nào vi phạm và mức độ cụ thể ra sao.
Một nguồn tin chưa được kiểm chứng nói năm nay có thể ngành thuế sẽ công bố số liệu các doanh nghiệp có vốn FDI kê khai lỗ, lãi trong của năm 2010. Tại cuộc họp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tháng 2 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết qua kiểm tra sơ bộ tại 3.400 doanh nghiệp, số lỗ được báo cáo là khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp có dấu hiệu lỗ liên tục nhiều năm, trong khi vẫn tiếp tục mở rộng quy mô họat động, Bộ Tài chính có thể kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét rút giấy phép hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Anh Minh
VnEconomy