Với quán tính lớn cộng thêm những thách thức đến từ đặc thù nền kinh tế và bên ngoài, lạm phát của Việt Nam sẽ còn diễn biến phức tạp ít nhất đến hết tháng 6, tháng 7 tới.
Với quán tính rất lớn cộng thêm những thách thức đến từ chính đặc thù nền kinh tế và từ bên ngoài, lạm phát của Việt Nam sẽ còn diễn biến phức tạp ít nhất đến hết tháng 6, tháng 7 tới cho dù cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc bằng tinh thần đồng bộ với các giải pháp “cứng rắn” để biến mục tiêu cao nhất “ổn định kinh tế vĩ mô” thành hiện thực.
Khó cắt giảm đầu tư công
Chỉ hơn một tháng sau khi Nghị quyết 11 của Chính phủ đi vào cuộc sống, nhóm dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã cắt giảm tuyệt đối được 50.000 tỷ đồng; khoảng 1.387 dự án mới triển khai, đang triển khai không hiệu quả và chậm tiến độ đã bị thu hồi 3.400 tỷ đồng vốn để điều chuyển cho các dự án hoàn thành trong năm 2011 và các dự án cấp bách mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế cần đẩy nhanh tiến độ.
Con số ấn tượng này cho thấy các biện pháp triển khai của Chính phủ về giảm đầu tư công năm 2011 (không kéo dài thời gian giải ngân đến 31/12 năm sau, không ứng trước kế hoạch năm 2012 và giảm tuyệt đối kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ) đã quyết liệt hơn nhiều so năm 2010 vừa qua nên đã mang lại hiệu quả bước đầu.
Tuy nhiên, “việc cắt giảm đầu tư công này vẫn chưa đủ độ cũng như chưa thể thoát khỏi các khó khăn đeo bám,” tiến sỹ Võ trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định.
Hiện đầu tư công chiếm khoảng 35% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Kinh nghiệm năm 2008 (năm lạm phát hai con số cao nhất trong vòng 15 năm qua) cho thấy việc cắt giảm đầu tư rất khó bởi vẫn phải qua nhiều công đoạn, thủ tục xem xét, trình duyệt và nhất là liên quan rất lớn đến quyền lợi của các nhóm lợi ích.
Thêm vào đó, một số dự án trên 2.000 tỷ đồng còn phải trình ra Quốc hội xem xét “nên từ thời điểm trình đến khi thực hiện được cũng mất hàng nửa năm”. Ngoài ra, việc cắt giảm đầu tư công này lại càng khó hơn trong bối cảnh Chính phủ đang sắp xếp, tổ chức, tái cơ cấu nền kinh tế, ông Thành nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo Chính phủ tuần qua, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Hà cũng thừa nhận hiện còn 22 bộ, ngành Trung ương vẫn chưa có báo cáo rà soát, cắt giảm dự án đầu tư bằng vốn ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ mặc dù đây là các đơn vị sử dụng vốn ngân sách Nhà nước rất lớn như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công An, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng.
Bên cạnh đó, lại có không ít các địa phương yêu cầu không cắt giảm dự án nào. Vì vậy, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có công văn yêu cầu các bộ ngành phải thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 11.
Cố gắng không vượt lạm phát 2010
Số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I đã tăng 6,12% so với tháng 12/2010 và tăng tới 12,79% so với bình quân cùng kỳ 2010 với lực đẩy mạnh mẽ đến từ nhóm xăng dầu. Như vậy, chỉ tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 7% đề ra sẽ không thể thực hiện được do dư địa cho 3 quý còn lại chỉ là 0,88%.
Khẳng định việc thực hiện chỉ tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7% là cực khó, thậm chí cả hệ thống chính trị phải cố gắng hết sức mới mong không vượt con số 11,75% của năm 2010, Cục trưởng Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa cho biết quyết định bất khả kháng điều chỉnh tăng giá xăng dầu tối 29/3 vừa qua sẽ tác động trực tiếp đến CPI và làm tăng 0,4%; còn tổng thể tính hết các vòng tác động phải là 1,5%.
Còn theo tiến sỹ Võ Trí Thành, lạm phát sẽ còn tăng trong những tháng tới đây do mọi chính sách tiền tệ tài khóa được triển khai đều phải có độ trễ từ 3-6 tháng mới phát huy tác dụng thực sự. Đấy là chưa kể nếu có cú sốc lớn từ bên ngoài, các chính sách này cũng phải linh hoạt thay đổi thì việc phát huy tác dụng còn đến muộn hơn. Vì vậy, có sớm thì cũng phải qua tháng 6, tháng 7 tới, lạm phát mới có thể đi ngang và ổn định trở lại trong các tháng cuối năm.
Ông Thành cũng cảnh báo Việt Nam đang trong tình thế rất khó khăn do phải triển khai đồng bộ các giải pháp đối phó với cả lạm phát cầu kéo (tiền nhiều hơn hàng) và lạm phát chi phí đẩy (giá xăng dầu, vật liệu tăng cao). Vì vậy, nếu các chính sách thực thi chính sách không nghiêm túc, không bền bỉ sẽ có thể đưa nền kinh tế tới suy thoái mà vẫn lạm phát cao.
Tuy vậy, cả hai chuyên gia này đều bày tỏ tin tưởng Nghị quyết 11 được triển khai đúng hướng sẽ tác động đến tổng cầu, mặt bằng chi tiêu và mặt bằng giá trong những tháng tới đây. Bài học kinh nghiệm của lạm phát “hai con số” rất cao năm 2008 và lạm phát “ba con số” những năm thập kỷ 80 cho thấy thắt chặt tiền tệ, thắt chặt tài khóa chính là giải pháp tình thế nhanh nhất giúp đẩy lùi lạm phát cao.
Nền tảng phải là ổn định kinh tế vĩ mô
Nhấn mạnh quan điểm “ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng để tăng trưởng bền vững và giúp ổn định lòng tin của người dân vào Chính phủ,” tiến sỹ Thành nêu rõ: Nghị quyết 11 được triển khai đã bước đầu phát huy tác dụng và trong ngắn hạn nền kinh tế sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn. Lãi suất cho vay cả tiền đồng và USD vẫn cao chót vót khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong mở rộng sản xuất, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, Chính phủ cần “bình tĩnh, kiên định và nhất quán” với mục tiêu và các giải pháp đang triển khai.
Với lãi suất cho vay cũng cao như hiện nay nhưng kinh tế năm 2008 vẫn tăng trưởng cho thấy vốn không phải là yếu tố quyết định tất cả sự tăng trưởng của doanh nghiệp cho dù hiện nền kinh tế vẫn tăng trưởng theo chiều rộng. Cùng với vốn, sản phẩm hàng hóa tạo ra còn là kết tinh của công nghệ, lao động, đất đai…
Vì vậy, cùng với việc tiếp tục thực thi kiên định các giải pháp thắt chặt tiền tệ, tài khóa để giảm tổng cầu, hạn chế nhập khẩu thúc đẩy xuất khẩu, hạ lãi suất cho vay, các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ đã cam kết để giải quyết khó khăn cho người thu nhập nhấp và doanh nghiệp vừa và nhỏ trước tác động tăng giá là những giải pháp cần triển khai ngay.
Ngoài ra, việc minh bạch thông tin, chính sách cần thực hiện đồng bộ, nhất quán để tạo sự đồng thuận, chia sẻ trong cả hệ thống chính trị. Tình hình cực kỳ khó khăn, lạm phát năm 2011 không thể kìm giữ ở 7% như kế hoạch mà có thể vọt lên trên dưới 9,5% (như những dự báo mới nhất của một số tổ chức quốc tế), các giải pháp cứng rắn đang triển khai… cần phải được công bố công khai để mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp, mỗi gia đình và mỗi người dân có kế hoạch cụ thể, chủ động tiết kiệm chi tiêu, mua sắm ngay từ các tháng đầu năm, ông Thành nhấn mạnh.
Theo Nguyễn Kim Anh
TTXVN/Vietnam+