Hiện tại Trung Quốc có 3 sở giao dịch hàng hoá là Sở giao dịch Hàng hoá Đại Liên, Sở giao dịch Hàng hoá Trịnh Châu và Sở giao dịch Hàng hoá Kỳ hạn Thượng Hải.
Theo Hiệp hội Hàng hoá Kỳ hạn Trung Quốc (CFA), Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường giao dịch hàng hoá kỳ hạn lớn nhất thế giới.
Số liệu từ CFA cho thấy, năm ngoái, khối lượng hàng hoá giao dịch tại Sở giao dịch Hàng hoá Kỳ hạn Thượng Hải tăng 43,01% so với năm 2009, đạt 1,24 tỷ lô, giá trị giao dịch tăng 67,41% lên 123,48 nghìn tỷ NDT.
Hiện tại Trung Quốc có 3 sở giao dịch hàng hoá, trong đó nông sản được giao dịch chủ yếu ở Sở giao dịch Hàng hoá Đại Liên và Sở giao dịch Hàng hoá Trịnh Châu, còn các kim loại chủ yếu giao dịch trên Sở giao dịch Hàng hoá Kỳ hạn Thượng Hải.
Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đã thành lập một cơ chế phòng ngừa rủi ro không những phù hợp với hoạt động thị trường theo luật pháp quốc tế mà còn phù hợp với tình hình thực tế trong nước.
Cơ chế này đã thực sự phát huy hiệu quả trong vai trò hạn chế rủi ro những năm gần đây, đặc biệt là hậu khủng hoảng kinh tế năm 2009.
Sở giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải hay SFE được hình thành qua việc sáp nhập của Sở giao dịch Kim loại thượng Hải, Sở giao dịch Hàng hoá Thực phẩm Thượng Hải và Sở giao dịch Hàng hoá Thượng Hải vào tháng 12/1999, trở thành nơi trao đổi hàng hoá tương lai lớn nhất ở Trung Quốc cả về khối lượng lẫn giá trị giao dịch.
SFE hiện giao dịch các hàng hoá bao gồm đồng, nhôm, kẽm, chì, vàng, thép thành phẩm, phôi thép, cao su thiên nhiên và dầu nhiên liệu.
Sở giao dịch Hàng hoá Trịnh Châu hay ZCE được thành lập vào năm 1990 và hiện là sở giao dịch hàng hoá lớn thứ hai của Trung Quốc, giao dịch các hàng hoá nông nghiệp và sản phẩm hoá chất kỳ hạn, bao gồm lúa mì, đường, bông, hạt cải dầu và PTA – một sản phẩm hoá dầu.
ZCE năm ngoái đạt mức tăng trưởng cao nhất về khối lượng và giá trị giao dịch. Khối lượng giao dịch tăng 118,36% lên 911,65 triệu lô và giá trị giao dịch tăng 223,37% lên 61,79 nghìn tỷ NDT.
Sở giao dịch hàng hoá Đại Liên hay DCE giao dịch đậu tương, dầu đậu tương, ngô, dầu cọ, khô đậu tương, than cốc và LLDPE – một sản phẩm hoá dầu. Năm ngoái, DCE là sàn tăng trưởng tồi tệ nhất trong 3 sàn ở Trung Quốc.
Khối lượng giao dịch tại DCE năm ngoái giảm 3,27% chỉ đạt 806,34 triệu lô và giá trị tăng 10,79% lên 41,71 nghìn tỷ NDT.
Sở giao dịch Tài chính Kỳ hạn Trung Quốc hay CFFEX là sở giao dịch tài chính đầu tiên ở Trung Quốc, bắt đầu giao dịch chứng khoán tương lai kể từ tháng 4/2010, với khối lượng giao dịch 91,75 triệu lô và giá trị 82,14 nghìn tỷ NDT trong năm ngoái.
Theo: vnecono